Lãnh tụ Muhammad Ali (1805 - 1849) Ai Cập dưới thời nhà Muhammad Ali

Khởi nghiệp

Năm 1798, quân Pháp, dưới sự chỉ huy của Napoléon sang chiếm Ai Cập trong tay nhà Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà Ottoman phát binh sang giành lại Ai Cập, có quân Anh hỗ trợ. Quân Pháp bị đánh bại, phải rút. Trong đoàn quân Ottoman có viên phó tướng, người Albania, tên là Muhammad Ali (cũng thường biên là Mehmet Ali hay Mehmed Ali, theo khẩu âm Thổ Nhĩ Kỳ) nhanh chóng trở thành một nhân vật uy quyền nhất Ai Cập. Người Anh cần giữ lực lượng để đối phó với Pháp, và muốn giữ quan hệ tốt với nhà Ottoman, nên không chiếm Ai Cập. Khi họ rút đi rồi, thì một cuộc nội chiến tay ba xảy ra giữa quân Thổ Ottoman, quân nô lệ Mamluk Ai Cập, và quân đánh thuê người Albania. Cuộc nội chiến này kéo dài từ năm 1803 đến năm 1807. Tướng Muhammad Ali trở thành bá chủ đất Ai Cập năm 1805, khi Sultan Selim III của Thổ Nhĩ Kỳ (1789-1807) công nhận ông là Wali, hay tổng đốc Ai Cập. Từ đó, Muhammad Ali không bị tranh chấp chủ quyền Ai Cập, và tập trung được nỗ lực để củng cố một triều đại độc lập. Ông, và một số con cháu ông thường được gọi với tước hiệu Pasha đi sau tên. Danh từ Pasha tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ định "quan tổng đốc", "tướng",… nói chung có thể dịch là "đại nhân" hay "ngài".

Những cải cách

Cải cách quân đội (1807 - 1811)

Mặc dù quân Pháp bị quân Anh đánh bại tại Ai Cập, nhưng sau đó, dưới sự thống lĩnh của Napoléon, họ nhiều lần thắng lợi vẻ vang tại lục địa châu Âu, nên thường được coi là quân đội mạnh nhất thế giới. Để canh tân quân đội của mình, Muhammad Ali Pasha đã thuê các sĩ quan Pháp sang huấn luyện cho quân sĩ của ông. Các sĩ quan này được gọi là nizamiye [1]

Để loại trừ một mầm họa, năm 1811 Muhammad Ali ra lệnh tàn sát hầu hết các nô tướng Mamluk.[2]

Chiếm hữu đất đai (1808 - 1817)

Kể từ năm 1808, Muhammad Ali bắt đầu chương trình mua lại đất từ các tư nhân trong khắp Ai Cập. Những người này bị cưỡng bách bán đất cho ông, đổi lấy những số tiền chu cấp định kỳ không tương xứng với giá đất. Ngay khi Muhammad Ali đi đánh Ả Rập Saudi thì chương trình này vẫn được tiếp tục. Với phương pháp "quốc hữu hóa" hay đúng hơn là "quốc trưởng hữu hóa" này, Muhammad Ali trở thành chúa đất của phần lớn Ai Cập.

Những cải cách khác

Trong khoảng thời gian 1818 - 1820, Muhammad Ali lại đẩy mạnh những cải cách: cải tổ điều hành tài chính, hiện đại hóa các cơ cấu, rước chuyên viên kỹ thuật nước ngoài đến làm việc, và cải thiện nông nghiệp.[1]

Ông cho xây lại thành phố Alexandria khoảng năm 1810. Năm 1819, ông cho khởi công đào kênh Mahmudiya để dẫn nước sông Nile vào Alexandria. Kênh này được đặt tên theo vua Mahmud II của Thổ. Đến năm 1850 thì Alexandria đã lấy lại được vẻ huy hoàng của thời xưa.

Năm 1822, sau khi chiếm được Sudan, tướng Mahommed Bey đem bông vải từ Sudan về trồng. Kỹ nghệ bông vải được tổ chức và phát triển mạnh, chỉ mấy năm sau Muhammad Ali đã có được một nguồn lợi quan trọng từ kỹ nghệ này.

Nền giáo dục trong nước được khuyến khích, và đặc biệt là môn y học. Năm 1826, ông gởi nhiều sinh viên đi du học ở Pháp, gọi là phong trào 'Rifa'at al-Tahtawi'.[1]

Về tôn giáo, Muhammad Ali cải cách viện đại học Al-Azhar, được ví như là toà thánh Vatican của tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Ông cũng cho kiểm soát chặt chẽ hơn các đạo viện Hồi giáo.

Các doanh nhân từ châu Âu được đặc biệt ưu đãi, vì Muhammad Ali cần đến họ để xuất khẩu hàng hóa của ông. Hải cảng Alexandria ngày càng thịnh vượng. Hàng hóa giữa châu Âu và Ấn Độ cũng đi qua đất Ai Cập ngày một nhiều. Hình ảnh giàu mạnh, văn minh của người Âu cũng khiến cho cộng đồng Cơ Đốc giáo trong nước được thêm nể trọng.

Chiến tranh tại bán đảo Ả Rập (1811 - 1817)

Trước đó, khi người phái Wahabbi (một phong trào của đạo Hồi kêu gọi trở về tôn giáo "nguyên thủy") chiếm thành phố Mecca năm 1802, vua Ottoman ra lệnh tướng Muhammad Ali từ Ai Cập cất quân chiếm lại Mecca. Việc này đưa đến cuộc Chiến tranh Ottoman-Saudi (1811-1818) giữa Ai Cập dưới triều đại Muhammad Ali (trên danh nghĩa nhà Ottoman) và người phái Wahabbi của miền Hedjazbán đảo Ả Rập.

Chiến dịch thứ nhất (1811 - 1815)

Theo lệnh vua Thổ là Mahmud II (1808-1839), năm 1811 tổng đốc Muhammad Ali sai con ruột là Tusun Pasha, mới 16 tuổi, đem 20.000 quân, 2.000 ngựa đi đánh người Saudi ở bán đảo Ả Rập. Sau một thời gian tiến quân thành công, lực lượng này bị đẩy lui tại ải Jejeida gần Al-Safra, và phải rút về Yanbu. Cuối năm, có thêm viện binh, tướng Tusun lại tiến công. Lần này lấy được thành phố Medina sau một cuộc bao vây khá lâu. Kế đó tướng Tusun lấy được Jeddah và Mecca, và lại thắng trận sau đó, bắt được tướng phe Saudi.

Nhưng tình thế lại chuyển thành bất lợi, và tổng đốc Muhammad Ali, phải đích thân rời Ai Cập vào mùa hè năm 1813 để điều khiển quân sĩ, để lại con trai là Ibrahim giữ nước. Tuy gặp nhiều chướng ngại vì phong thổ và chiến thuật của đối phương, ông giữ được thế thượng phong, và phế được vị Sharif của Mecca. Sau cái chết của lãnh tụ Saudi là Saud, ông ký hoà ước với con trai vua Saud là Abdullah I năm 1815.

Được tin là người Thổ muốn nhân lúc ông vắng mặt đánh lấy Ai Cập để chiếm lại thực quyền, và hoàng đế Napoléon đã vượt thoát khỏi nơi giam cầm là đảo Elba, tổng đốc Muhammad Ali bèn rút về giữ nước. Ông về đến thủ đô Cairo đúng vào ngày Napoléon thua trận Waterloo.

Chiến dịch thứ nhì (1816 - 1818)

Nghe tin quân đội nổi loạn ở Cairo, công tử Tusun (con của tổng đốc Muhammad Ali) rút quân về, nhưng qua đời năm 1816 lúc tuổi mới 20. Tổng đốc Muhammad Ali, không hài lòng với hoà ước ký kết với người Saudi, và vì trong đó có mấy khoản không thi hành trọn vẹn, nên lại phát binh đánh bán đảo Ả Rập. Những quân nhân mới nổi loạn trước đó ít lâu đều bị đưa ra chiến trường.

Chiến dịch này do con trưởng của ông (con nuôi) là Ibrahim Pasha điều khiển, khởi sự vào mùa thu năm 1816. Cuộc chiến kéo dài và khó khăn nhưng đến năm 1818 thì Ibrahim Pasha chiếm được kinh đô Saudi là Diriyah. Vua Saudi là Abdullah I cùng với thủ quỹ và bí thư của ông bị bắt giải về Constantinopolis (kinh đô của đế quốc Ottoman) (có vài tài liệu nói là giải về Cairo). Mặc dù có lời hứa giữ an toàn của Ibrahim Pasha, họ đã bị xử tử. Công tử Ibrahim Pasha trở về Cairo khi sắp bước sang năm 1819, sau khi đã đè bẹp mọi chống đối ở bán đảo Ả Rập.

Đánh Libya (1820)

Tháng 2 năm 1820, Muhammad Ali sai quân đánh đông bộ Libya, lấy được ốc đảo Siwa.

Chiếm Sudan (1820 - 1822)

Năm 1820, Muhammad Ali sai con út là Ismail đem 4 - 5000 quân, người Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập, đi xâm lược Sudan. Đoàn quân rời Cairo vào tháng 7, nhanh chóng chiếm được Nubia, đánh bại người Ả Rập Shagia phía nam tỉnh Dongola, phá được tàn quân Mamluk, và chiếm được đất Sennar ở trung bộ Sudan mà không phải đánh trận nào.

Năm 1821, Ibrahim Pasha cho xây thị trấn Khartoum, trở thành thủ đô của Sudan sau này. Năm ấy, Muhammad Ali lại sai tướng Mahommed Bey, với khoảng 4500 quân và 8 khẩu trọng pháo xâm lược xứ Kordofan ở trung bộ Sudan. Sau một cuộc chiến khốc liệt, tướng Mahommed Bey thành công.

Tháng 10 năm 1822, công tử Ismail và đoàn tùy tùng bị vua Nimr của xứ Shendi (ở bắc bộ Sudan) thiêu sống. Quyền cai trị Sudan tập trung về một mình tướng Mahommed Bey, một người tàn bạo hà khắc, khiến dân chúng ở đấy hết sức là khổ sở. Lúc bấy giờ người Ai Cập cũng kiểm soát thêm được hai hải cảng của Biển ĐỏSuakinMassawa.

Chữ viết cổ Ai Cập "sống lại" (1822)

Người Pháp, lúc sang chiếm Ai Cập, có đào được ở thành Rashid một phiến đá có ghi chữ Hy Lạp và hai thứ chữ cổ Ai Cập (chữ bình dân và chữ tượng hình). Lúc bấy giờ môn khảo cổ Ai Cập đã thịnh hành nên khi ký hoà ước Pháp rút khỏi Ai Cập, có ghi trong tờ hoà ước là Pháp phải nhượng cho Anh phiến đá đặc biệt đó.

Tháng 5 năm 1816, nhà bác học và ngôn ngữ học Anh Thomas Young xuất bản tại Cambridge về một kết quả nghiên cứu sơ khởi về chữ "bình dân" trên phiến đá thành Rosetta. Năm 1819, trong phần phụ lục của bộ bách khoa tự điển Encyclopaedia Britannica, Thomas Young lại tuyên bố đã giải mã được 13 chữ cái của văn tự cổ Ai Cập. Sau này kiểm lại chỉ có 5 chữ là đúng, và hơn nữa những chữ này chỉ tìm được bằng cách phỏng đoán chớ không phải chứng minh bằng lý luận khoa học.[3]

Người Pháp, tuy đã giao phiến đá thành Rosetta, nhưng có sao lại những dòng chữ khắc trên đó. Giới khảo cổ Pháp cũng làm việc với giới khảo cổ Anh trong tinh thần cởi mở. Nhờ vậy, một nhà sử học trẻ người Pháp tên là Jean François Champollion căn cứ trên phiến đá này đã tiến đến việc giải mã được toàn bộ chữ viết cổ Ai Cập bằng chứng minh qua lập luận khoa học. Ngày 27 tháng 9 năm 1822, tại Académie des inscriptions et des belles-lettres (tạm dịch Viện hàn lâm văn chương bút ký) của Pháp, có mặt ông Thomas Young, kết quả cuộc giải mã này đã được công bố.[4] Năm 1824, nhà nước Pháp xuất tiền cho ông Champollion xuất bản quyển Précis du système hiéroglyphique des anciens Egyptiens (tạm dịch Xác định hệ thống chữ tượng hình của người cổ Ai Cập),[5] đánh dấu sự sống lại của chữ cổ Ai Cập sau 15 thế kỷ thầm lặng.[6]

Trong chuyến đi khảo cổ tại Ai Cập, Champollion và phái đoàn của ông đã được lãnh tụ Muhammad Ali đón tiếp ngày 24 tháng 8 năm 1828.[7]

Với Champollion, kho tàng văn minh cổ Ai Cập như được đưa trở về ánh sáng bằng một chuyến xe tốc hành. Với sự cộng tác của ông Léon Jean-Joseph Dubois, ông lần lượt xuất bản bộ Le panthéon égyptien (tạm dịch Thần giới Ai Cập) với quyển 1 ra mắt độc giả năm 1823 cho đến quyển 15 ra mắt năm 1831.[8] Ngoài ra ông cũng để lại nhiều công trình khác như bộ Grammaire égyptienne (Văn phạm tiếng Ai Cập), soạn trong khoảng 1830 - 1832.[9]

Cuộc nổi dậy của Ahmad (1824)

Năm 1824 tại miền Thượng Ai Cập có người tên Ahmad, ở làng al-Salimiyyah, cách Thebes vài cây số, xưng là tiên tri, nổi lên chống lại chính quyền Muhammad Ali. Số người theo ông đông khoảng 2 - 3 vạn, phần đông là nông dân, kế đến là lính của lực lượng Nizam Gedid đào ngũ.

Giới nông dân vốn căm giận những cải cách của tổng đốc Muhammad Ali, nhất là sự tăng thuế và cưỡng bách lao động. Phần đông những người đáng thương này không có vũ khí nào khác hơn là cây gậy nabbut dài đặc thù của nông dân Ai Cập. Cuộc nổi dậy này bị đàn áp đẫm máu, khoảng 1/4 số người nổi dậy bị tàn sát. Thủ lĩnh Ahmad thoát được, nhưng từ đó mất luôn tăm tích. Đây là lần cuối cùng người trong nước toan đánh đổ quyền chính của tổng đốc Muhammad Ali.

Những năm về sau trong nước rất yên trị. Quân binh tinh nhuệ mà kỷ luật lại cao. Khách lữ hành đi trên sông Nile hay trên các con đường cái quan không sợ cướp bóc.

Chiến tranh tại Hy Lạp (1824 - 1828)

Năm 1821 người Hy Lạp nổi lên để giành lại độc lập trong tay người Thổ Ottoman. Quân Thổ Nhĩ Kỳ dần dần núng thế, nên phải gọi tổng đốc Muhammad Ali phát binh đánh giúp. Muhammad Ali đặt điều kiện là chỉ ra quân nếu được nhà Ottoman giao cho đảo Cộng hòa Síp, đảo Crete, bán đảo Peloponnesus ở miền nam Hy Lạp, và đất Syria. Sau khi nhà Ottoman chấp thuận, ông sai con trưởng là Ibrahim Pasha xuất quân.

Năm 1824, 60 tàu chiến và 17.000 quân Ai Cập sang đến đảo Crete, và năm 1825 tràn sang bán đảo Peloponnesus. Quân Ai Cập và quân Ottoman tuy bị nhiều tổn thất nặng nề, nhưng dần dần cũng chiếm được thế thượng phong. Cuộc khởi nghĩa của người Hy Lạp đã sắp bị dập tắt lúc gần cuối năm 1827, thì quân ba nước đế quốc Anh, Pháp, Nga đến cứu. Ngày 20 tháng 10 năm 1827, tại trận Navarino trên biển, liên quân Ai Cập-Ottoman bị liên quân Nga-Anh-Pháp đánh cho đại bại. Ibrahim Pasha không bỏ cuộc, cố thủ ở Peloponnesus, nhưng sau đó liệu không địch nổi bộ binh Pháp, nên rút khỏi vùng này vào tháng 10 năm 1828.

Theo hoà ước do người Anh đề nghị, Ai Cập được giữ đảo Crete.Nhà Ottoman còn tiếp tục đánh đến năm 1832 mới công nhận Hy Lạp độc lập.

Chiến tranh Ai Cập - Thổ lần thứ nhất (1831 - 1833)

Thấy đế quốc Ottoman đã suy yếu, Muhammad Ali chiêu mộ binh sĩ, lập một hạm đội mới, quyết thôn tính Thổ Nhĩ Kỳ. Lấy cớ rằng Abdullah Pasha, tổng đốc thành AcrePalestine (lúc bấy giờ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) chứa chấp 6.000 nông dân nghèo fellah từ Ai Cập trốn thuế và lao động cưỡng bách chạy sang [10], ông sai công tử Ibrahim Pasha đem quân vào đế quốc Ottoman ngày 31 tháng 10 năm 1831.

Quân Ai Cập chiếm Palestine và Syria dễ dàng, nhưng phải bao vây 6 tháng mới lấy được thành Acre ở Palestine gần biên giới Ai Cập (3/11/1831 đến 27/5/1832). Được Syria rồi, quân Ai Cập tiến vào Tiểu Á tức bán đảo Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 21 tháng 12 năm 1832, Ibrahim Pasha đánh bại đại quân Thổ do Đại Vizia Reshid Mehmed Pasha cầm đầu tại trận Konya. Từ Konya đến kinh đô Constantinopolis không còn đạo quân nào ngăn trở nữa, Muhammad Ali sẵn sàng thực hiện nước cờ kế tiếp là truất phế vua Mahmud II để lập con trưởng vua này là hoàng tử bé thơ Abdul Mejid lên thay.

Đế quốc Nga vốn chiến tranh liên miên với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lại không muốn nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ bị thay thế bởi một đế quốc mạnh hơn, nên đề nghị giúp đỡ vua Mahmud II. Lúc bấy giờ nhà Ottoman vừa trả độc lập cho Hy Lạp và hoà với Nga, nên nhận sự giúp đỡ quân sự của Nga. Cuộc chiến chuyển thành những vòng đàm phán do người Nga chủ trì, và cuối cùng đạt đến thỏa ước Kutahya ký ngày 14 tháng 5 năm 1833.

Theo thỏa ước Kutahya, Muhammad Ali vẫn chỉ được coi là tổng đốc (Wali), và phải rút quân khỏi Tiểu Á. Nhưng ông được công nhận quyền cai trị đảo Crete, đất Hedjaz ở bán đảo Ả Rập. Con ông là Ibrahim Pasha được quyền cai trị Syria và quận Adana ở Tiểu Á. Cha con ông, với tính cách là bề tôi, phải nộp cống cho nhà Ottoman, nhưng thực ra chỉ phải nộp cống rất ít. Thực tế có lẽ cổ kim chưa có vị tổng đốc nào có được thực quyền trên một lãnh thổ to lớn ngần ấy: Ai Cập, Sudan, tây bộ Ả Rập, Syria, Liban, Palestine,…

Công tử Ibrahim Pasha áp dụng lối cai trị hà khắc ở Ai Cập tại các vùng mới chiếm đóng, nên không đầy một năm, người Syria, người theo giáo phái Druze (ở Liban) và người Ả Rập nổi dậy chống đối. Họ bị đích thân Muhammad Ali đem quân đàn áp dã man, và sự uất ức của họ đem lại cho vua Mahmud II niềm hy vọng sẽ chiếm lại được các vùng họ ở.

Tình hình trong nước (1833 - 1839)

Theo hồi ký của ông Ferdinand de Lesseps, phó lãnh sự Pháp ở Alexandria, một trận dịch lớn xảy ra trong khoảng 1833-1837 trong vòng 2 năm. Đến một phần ba dân số AlexandriaCairo bị thiệt mạng vì trận dịch này.

Chiến tranh Ai Cập - Thổ lần thứ nhì (1839 - 1841)

Mùa xuân năm 1839 vua Mahmud II dồn quân đến biên giới Syria. Ibrahim Pasha thấy bị đe dọa bên sườn, bèn ra quân tấn công quân Ottoman tại trận Nezib ngày 24 tháng 6. Một lần nữa, quân Ottoman bị bại trận. Sáu ngày sau, trước khi tin này về tới kinh đô Constantinopolis, Mahmud II qua đời.

Cũng như Nga, hai đế quốc Anh và Pháp không muốn Ai Cập và Thổ hợp thành một nước lớn mạnh. Quân Anh, với quân Pháp và Hy Lạp tòng chinh, lập tức xâm lăng Ai Cập. Nhận thấy người Anh và người Pháp có nhiều bất đồng và hay cạnh tranh nhau, Muhammad Ali cố gắng kéo dài thời gian cầm cự để chờ liên minh Anh - Pháp tan rã. Nhưng người Pháp nhất định liên kết với người Anh để chống lại tham vọng của ông, nên Muhammad Ali đã bị thảm bại nặng hơn.

Ngày 15 tháng 7 năm 1840, các đế quốc Anh, Áo-Hung, Nga, Phổ ký Thỏa ước Luân Đôn, công nhận gia đình Muhammad Ali được truyền đời cai trị Ai Cập và Sudan, nhưng phải rút khỏi Syria và Liban. Muhammad Ali không chấp nhận thỏa ước này. Hải quân Anh và Áo-Hung bèn phong tỏa bờ biển châu thổ sông Nile, dội pháo vào Beirut (11 tháng 9 năm 1840). Sau khi Acre đầu hàng ngày 3 tháng 11 năm 1840, Muhammad Ali phải chấp nhận Thỏa ước Luân Đôn ngày 27 tháng 11 năm 1840. Ông cũng phải rút quân khỏi đảo Crete và miền Hedjaz, và giảm số quân xuống còn 18.000 người.

Sau khi ông chấp nhận thỏa ước, nhà Ottoman gởi thêm vài thánh chỉ để phân định ranh giới rõ hơn. Thánh chỉ quan trọng nhất được ban ra ngày 13 tháng 2 năm 1841. Muhammad Ali được giữ bán đảo Sinai vài nơi trong bán đảo Ả Rập.

Những năm cuối của Muhammad Ali

Thỏa ước Luân Đôn chấm dứt những cuộc chiến triền miên của thời Muhammad Ali và trước nữa. Nhưng năm 1842 Ai Cập bị ngay một mùa lũ lớn của sông Nile tàn phá. Cũng năm đó mục súc bị bệnh dịch, chết rất nhiều. Năm 1843 có nạn châu chấu phá hại mùa màng, rất nhiều người chết đói, nhiều làng mạc bị bỏ hoang.

Dân chúng cũng khổ vì cách sống khắc nghiệt trong quân ngũ. Theo như những lá thư của Florence Nightingale, cô y tá người Anh nổi tiếng, gởi từ Ai Cập vào khoảng 1849-50, nhiều nhà sợ con đi lính đến nổi làm cho mù đi một mắt hoặc làm gãy tay lọi chân. Muhammad Ali biết là dân muốn cho con trốn lính, nên lập ra những đội quân đặc biệt khuyết tật, như đội pháo binh khuyết năng, bảo rằng còn một mắt thì vẫn có thể bắn được.

Khổ nhất là những nông dân nghèo fellah bị bắt buộc phải đi xây dựng những công trình có ích cho công chúng mà không được trả lương. Một công trình lớn cuối cùng là năm 1847 Muhammad Ali đặt viên đá đầu tiên cho một chiếc cầu khổng lồ bắc qua sông Nile nơi bắt đầu vùng châu thổ.

Sau gần nửa thế kỷ cầm đầu xứ Ai Cập, vào tháng 6 năm 1848 Muhammad Ali không còn đủ minh mẫn để trị nước. Ông thôi việc triều chính và đến ngày 2 tháng 8 năm 1849 thì qua đời.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ai Cập dưới thời nhà Muhammad Ali http://encarta.msn.com/encyclopedia_761554408/isma... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F1... http://www.ordenskreuz.com/egypt.html http://www.queennarriman.com/English/index.html http://fr.structurae.de/projects/data/index.cfm?id... http://www.4dw.net/royalark/Egypt/egypt.htm http://www.napoleon.org/fr/salle_lecture/chronolog... http://urss.ru/cgi-bin/db.pl?cp=&page=Book&id=3748... https://web.archive.org/web/20040619074441/http://...